CS1: 39/23 Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7 | CS2: 742/10 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận

“EM YÊU TIẾNG VIỆT” - MỘT TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP MỚI MẺ

Giờ học tiếng Việt với học sinh lớp 11 có gì thú vị nữa khi mà chúng mình nói tiếng Việt 17 năm nay rồi? Thế nhưng, các bạn lớp 11B2 đã có một giờ học tiếng Việt thật thú vị mà cũng rất sâu lắng và chất lượng.

Thử tưởng tượng hình ảnh bạn chụp từ hồi nào lâu lắc, được trình chiếu lên màn hình với một bài vè thật vui và rapper  “bắn rap” về 34 thành viên của lớp. Thật ấn  tượng, bất ngờ phải không nào! Hai bạn nữ giỏi Văn của lớp đã biến bài tập “Em hãy đặt những câu văn có sử dụng các dạng nghĩa sự việc và nghĩa tình thái đã được học” thành một bài vè về đầy đủ 34 thành viên của lớp. Để không khí lớp học thêm sinh động, cô giáo đã bí mật cùng 5 bạn khác chuẩn bị hình ảnh trình chiếu và một bản rap “chất như nước cất”. Sau  màn biểu diễn đặc biệt ấy là các câu hỏi liên quan tới bài học Nghĩa sự việc và Nghĩa tình thái với ngữ liệu được lấy từ chính bài rap ấy. Bạn MC và cô giáo chốt lại kiến thức cho lớp nắm thật chắc. Thực ra, làm một bài rap về lớp không khó.

  • Bước 1: Tìm hiểu các đặc điểm của bạn bè lớp mình, rồi lựa chọn thông tin nào phù hợp nhất.
  • Bước 2: Viết một bài vè có vần có điệu. Đây là điều tối quan trọng đấy nhé!
  • Bước 3: Thêm từ đệm, tìm một bản nhạc beat rap vô. Chọn một bạn có khả năng đọc rap. Thế là xong!

 

Sau phần ôn tập Tiếng Việt thông qua bài rap thú vị ấy, lớp học chuyển sang Ôn tập kỹ năng Nghị luận xã hội thông qua hoạt động tranh luận những vấn đề nóng của xã hội. Chỉ sau 5 phút thảo luận nhóm, các bạn đã tự tin trình bày lưu loát trong 2 phút những quan niệm của tuổi trẻ trước các vấn đề xã hội. Đây là dịp để các bạn rèn luyện kỹ năng tự tin nói trước đám đông, nhìn nhận vấn đề xã hội và ôn tập cách viết đoạn văn nghị luận xã hội đầy đủ ý nhất trong thời gian siêu ngắn.

Phần lắng đọng nhất của tiết học là khi ca khúc Thương ca tiếng Việt (lời Hà Quang Minh, sáng tác Đức Trí) được các em tự đệm đàn và hát. Thật xúc động khi nhớ về những câu ca dao về con cò, câu  chuyện nàng Tô Thị, những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, điệu Nam Ai xứ Huế được gợi lên qua những lời hát. Trân quý hơn khi chính các em đã nhận ra điều đó và chia sẻ sôi nổi với lớp kỷ niệm của mình về những giờ học ca dao, truyện cổ tích khi xưa. Kết hợp với âm nhạc để thăng hoa và gắn kết tình yêu văn học cho học sinh là một phương pháp dạy học sáng tạo và đầy ý nghĩa.

Xin được trích một đoạn lời bài hát làm thông điệp nhắn nhủ tới các em học sinh: “Tiếng Việt còn trong mọi người, hồn Việt mình còn nguуên vẹn tròn/ Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấу lời sắt son.”

Một số hình ảnh khác của tiết học:


Tác giả: KHÁNH HUYỀN

Xem thêm