CS1: 39/23 Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7 | CS2: 742/10 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận
Khi văn học đồng hành cũng mỹ thuật, những món ăn thân thuộc của đường phố Sài Gòn hiện lên đầy sống động. Đằng sau mỗi bức tranh là cả một dòng cảm xúc dạt dào và vốn hiểu biết phong phú về món ăn đó.
Dự án được triển khai trong một tháng. Các em được cô giáo giảng dạy bộ môn Ngữ Văn cùng họa sĩ Lê Sa Long tập huấn nhiều buổi về ý tưởng, cách vẽ tranh, cách bình văn. Dưới đây là sản phẩm của các em:
HỦ TIẾU
“ Lóc cóc , lóc cóc”, âm thanh vang lên từ hai thanh tre là tiếng mời gọi của xe hủ tiếu gõ vào mỗi đêm . Những người dân Quảng Ngãi có hoàn cảnh khó khăn nên đã vào TPHCM lập nghiệp từ đó mà món hủ tiếu gõ bắt đầu có mặt ở Sài Gòn. Chỉ cần dùng 1 chiếc xe nhỏ và vật dụng đựng đồ ăn và có thể di chuyển dễ dàng. Mỗi thứ một chút gồm một ít hủ tiếu, ít thịt heo lát mỏng, chút hành hẹ, thêm hành phi và tóp mỡ, đặc biệt hơn hết là nước lèo được hầm từ xương nên có độ ngọt đậm đà. Bấy nhiêu thôi nhưng lại tạo nên một tô hủ tiếu bình dân mà chất lượng vô cùng. Nếu chúng ta muốn ăn thêm thì có thể gọi thêm da heo, bò viên, xương ... tuỳ sở thích của mỗi người. Đa số người dùng là công nhân lao động và sinh viên. Trải qua nhiều năm tháng, món ăn này được biết đến rộng rãi hơn nên đối tượng ăn cũng nhiều hơn. Chúng ta có thể bắt gặp những xe hủ tiếu gõ ở vỉa hè hay góc phố, chủ quán sẽ chuẩn bị một bình trà kế bên cho khách dùng miễn phí. Nhưng muốn ăn thì chúng ta phải đi buổi tối vì hiếm mà còn xe hủ tiếu gõ nào mở vào lúc sáng sớm. Trải qua biết bao năm tháng, hủ tiếu gõ vẫn giữ cho mình sự giản dị gắn liền với nét đẹp lao động. Hủ tiếu gõ đã chạm đến trái tim của người ăn bởi sự giản dị của nó .
BÁNH MÌ
Chúng ta có thể gặp hàng bánh mì ở bất cứ đâu trên những con phố , góc hẻm nhỏ ở Sài Gòn .Món ăn này do người Pháp đem vào miền Nam từ những thế kỉ trước. Thậm chí từ “ Bánh mì “ vinh dự xuất hiện trong dữ liệu từ điển Oxford. Bấy nhiêu đây cũng đã chứng tỏ đựơc sức hút mạnh mẽ của nó .Qua hàng năm tháng, bởi sự Việt hóa mà giờ đây bánh mì đã trở thành biểu tượng của nền văn hoá ẩm thực đường phố Việt Nam. Loại bánh có vỏ vàng ươm, nóng, giòn; bên trong gồm có thịt, chả, patê, rau đủ loại ... Đây là một món ăn nhanh gọn, dễ làm nhưng chính sự giản dị ấy đã làm người ăn nhớ hoài không quên. Tuỳ vào mỗi sở thích cá nhân mà mỗi người có cho mình những tiệm bánh mì khác nhau. Bánh mì Sài Gòn thì nhiều vô vàn nhưng bánh mì Tuấn Mập , bánh mì Huỳnh Hoa , bánh mì Hoà Mã ..... là một trong số những tiệm nổi tiếng . Dần dần bánh mì đã trở thành bữa ăn chính của người Việt. Tóm lại dù có đi đâu về đâu thì bánh mì vẫn mãi là một niềm tự hào của người Việt.
CƠM TẤM
Ẩm thực Việt vô cùng đa dạng và phong phú , là sự kết hợp từ nhiều vùng miền. Nhưng món cơm tấm chỉ ăn ở Sài Gòn mới cảm nhận được hết hương vị của nó. Sở dĩ được gọi là cơm tấm bởi nguyên liệu làm nên món này là gạo tấm. Gạo tấm là phần đầu của hạt gạo, nấu lên rất ngon và nhiều dinh dưỡng. Ăn chung với cơm tấm chính là bộ ba truyền thống: sườn, bì, chả. Cơm tấm thêm ngon khi dùng chung với ít đồ chua, mỡ hành, một chén canh nhỏ . Khi dùng cơm tấm thì không thể thiếu được nước mắm chan vào. Nước mắm được pha chế đậm đà, có vị ngọt nhẹ và chút cay. Giữa một Sài Gòn đông đúc, quán cơm tấm bên đường có khói nghi ngút bốc ra từ chỗ nướng sườn nhận được sự quan tâm của mọi người. Ngoài sườn bì chả thì có thể dùng với món khác như là lạp xưởng, gà nướng .... rất nhiều sự lựa chọn khác nữa. Người Sài Gòn đi đâu vẫn nhớ về món cơm tấm hương vị quen thuộc mà vô cùng gần gũi.
CÀ PHÊ
Chắc hẳn mọi người chúng ta không còn quá xa lạ gì với thức uống cà phê. Cà phê Phin xuất hiện vào những năm 80 của thế kỷ XIX, vào thời kỳ nước ta bị Pháp xâm lược , họ đã mang theo nét văn hóa phương Tây vào. Ban đầu người Pháp đã dùng công cụ có tên là filter nhưng sau đó người Việt đã tạo ra chiếc Phin có những lỗ nhỏ đục đều phía dưới. Để có một ly cà phê thơm ngon thì người dân Việt Nam phải thu hoạch hạt cà phê trên vùng đất cao nguyên. Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng cà phê phin là dùng nước sôi chảy chậm để cà phê nở và chín để tách lấy cà phê. Chúng ta thường phải đợi 5-7 phút để cho cà phê chảy hết và dùng khoảng17gr/phin. Cà phê phin ta dùng là cà phê nóng có thể thêm sữa nếu chúng ta muốn cảm nhận hương vị béo của nó. Theo nhịp sống hiện đại mà ngày nay có nhiều quán cà phê có nhiều công thức chế biến ra đời. Nhưng đâu đó vẫn còn những quán cà phê vẫn giữ hương vị xưa mà thường là những quán không tên. Đất nước dần phát triển, mỗi người có lối sống khác nhau nhưng em vẫn hi vọng rằng mọi người hãy nhớ và tự hào bởi những nét văn hoá xưa của Việt Nam.
DỰ ÁN CÒN LAN TỎA TỚI HỌC SINH CÁC LỚP KHÁC. DƯỚI ĐÂY LÀ SẢN PHẨM CỦA HỌC SINH LỚP 10B4 VÀ 11B4 CÙNG THAM GIA DỰ ÁN
BÁNH BÈO
“Tham gia tìm hiểu về ẩm thực đường phố Sài Gòn cùng các bạn, em nhớ đến gánh bánh bèo của một người chị năm xưa ở gần nhà em. Em đang vẽ trong niềm xúc động”. Em Thanh Nhật, học sinh lớp 10B4 chia sẻ về bức tranh của mình.
BÁNH XẾP VÀ ĐI VÀO TRUYỆN TRANH
“Năng khiếu của con là vẽ tranh phong cách Manga nên con sẽ sáng tác và vẽ truyện tranh về món bánh xếp mà con yêu thích”. Em Trúc Quân, lớp 11B4 giới thiệu về sản phẩm sáng tạo của mình.
Cô Khánh Huyền hạnh phúc khi nhìn ngắm thành quả của học trò:
Các em học sinh giới thiệu sản phẩm trong ngày báo cáo dự án: