CS1: 39/23 Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7 | CS2: 742/10 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận

SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC – MỘT KỶ NIỆM ĐẸP MÔN VĂN KHỐI 11

Qua hoạt động này, các em hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn tác phẩm văn học. Những đổi mới, sáng tạo đáng yêu và thông minh của các em có cơ hội được thể hiện. Những hoạt động dạy học tích cực như thế này sẽ tiếp tục được nhà trường nhân rộng.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 có những tác phẩm đi sâu vào lòng người nhiều thế hệ, chạm tới cảm xúc của học trò trong thời đại ngày nay. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn Ngữ Văn, thầy cô chủ nhiệm và đặc biệt là sự sáng tạo của mình, các bạn học sinh khối 11 cơ sở 2 đã dàn dựng 4 tiết mục sân khấu hóa tác phẩm văn học đặc sắc.

Đó là tiểu phẩm Chí Phèo (Nam Cao) với nhân vật chính diễn xuất thần, vừa hung hăng đúng chất Chí Phèo, vừa có nét diễn rất duyên, rất đáng yêu. Lớp 11A2 chỉ có 4 bạn nữ, thành ra các bạn nam vào luôn vai bà Ba, bà Tư, Thị Nở. Ai cũng diễn rất tròn vai. Dù người xem đã biết quá rõ về diễn biến, kết thúc của tác phẩm này nhưng vẫn bị cuốn hút bởi lối diễn xuất của các em. 

Tác phẩm Hai đứa trẻ dựa trên câu chuyện không có cốt truyện của nhà văn Thạch Lam khá là khó để dựng thành kịch. Nhưng lớp 11A4 đã khéo léo xây dựng vở kịch giàu cảm xúc. Các bạn còn làm hẳn một đoàn tàu di chuyển trên sân khấu thật sinh động.

Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) được đầu tư trang phục gợi không khí “làn gió Âu hóa những năm 30”. Các nhân vật thoại không nhiều nhưng thần thái, cử chỉ, hành động đã thể hiện được đúng cái chất “ của một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối” mà Vũ Trọng Phụng từng nói.

Gây bất ngờ và ấn tượng nhất là tiểu phẩm Chí Phèo ngoại truyện của lớp 11A3. Tác phẩm này được nhìn nhận ở một góc độ khác, với những tình tiết mới lạ. Nhưng nhìn tổng thể, phù hợp với chủ đề, thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải.

Để có được những tiểu phẩm thành công như vậy, thầy cô đã luôn sát cánh đồng hành cùng các em. Nhà trường hỗ trợ kinh phí thực hiện, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ tập luyện. Các vấn đề về kỹ thuật dàn dựng sân khấu, quay phim chụp hình cũng được các bộ phận của nhà trường hỗ trợ các em.

Qua hoạt động này, các em hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn tác phẩm văn học. Những đổi mới, sáng tạo đáng yêu và thông minh của các em có cơ hội được thể hiện. Những hoạt động dạy học tích cực như thế này sẽ tiếp tục được nhà trường nhân rộng.

Thêm một số hình ảnh tại buổi ngoại khóa:


Tác giả: KHÁNH HUYỀN - CLB TRUYỀN THÔNG


Xem thêm