CS1: 39/23 Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7 | CS2: 742/10 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận

Tham gia tiết học: "Luyện tập rèn kỹ năng viết tích hợp kỹ năng nói và nghe về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật với hình thức sáng tạo"

Văn là người. Học Văn là để học làm người. Làm người hơn muôn loài ở chỗ có cảm xúc, biết yêu thương cái đẹp, ghét chê cái xấu, cảm thông chia sẻ, biết rơi lệ trước nỗi đau, biết cười trong cuộc sống. Học Văn là học cách cảm, cách nghĩ, hiểu được cảm xúc của tác giả khi viết những dòng văn ấy. Trải qua dòng chảy của thời gian, Văn học vẫn giữ trọn vẹn vai trò ấy, giúp thanh lọc tâm hồn, thắp lên trong ta bao yêu thương, khát vọng, chắp thêm cho ta đôi cánh để luôn vững vàng trước những khó khăn của cuộc sống. Văn học là người bạn đường thân thiết trên mọi nẻo đường, nuôi lớn và làm phong phú tâm hồn ta với tình cảm giàu tính nhân văn cao cả.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn với mục tiêu phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất cho học sinh với những chủ đề dạy học gần gũi với đời sống nhưng cũng vô cùng phong phú, hấp dẫn; cùng với đó là chú trọng các kỹ năng đọc hiểu, viết, nói và nghe hỗ trợ người học hoàn thiện bản thân.

Xuất phát từ yêu cầu cần đạt của từng chủ đề học tập nói riêng và bộ môn nói chung, ngày 5/4/2024, thầy Đặng Thừa Ân – giáo viên tổ Ngữ văn trường THCS và THPT Đức Trí đã tổ chức tiết học Luyện tập rèn kỹ năng viết tích hợp kỹ năng nói và nghe về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật với hình thức sáng tạo : Chương trình “Thay lời muốn nói”, chủ đề : “Quê hương và nỗi nhớ”.



Quá trình chuẩn bị tiết dạy rất công phu và chu đáo. Giáo viên thực hiện phiếu khảo sát phụ huynh để giúp học sinh có thể hiểu và cảm nhận phần nào nỗi lòng của những người con xa xứ. Bên cạnh đó, thầy còn chuẩn bị những phương tiện dạy học lấy từ miền quê sông nước miền Tây dân dã : gốc rạ, lá dừa nước, rau đắng đất, bánh con sùng để phục vụ tốt nhất cho tiết dạy.



Mở đầu tiết dạy, thầy cùng học sinh lớp 11B1 hóa thân thành chị hai Nghĩa và cậu ba Ân. Trong một lần về quê thăm quê của cậu ba, hai chị em đã có dịp hàn huyên tâm sự lại những kỉ niệm về ngày tháng vắng bóng tình thương ba má và cùng nhau trưởng thành. Trong giai điệu ngọt ngào, chị hai đã ra đi mãi mãi vì bệnh phổi lâu năm : “Xin sống lại tình yêu đơn sơ. Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa…. Dạo quanh, khung trời kỷ niệm. Chợt thèm rau đắng nấu canh.”



Tác phẩm kịch được lấy cảm hứng từ ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của cố nhạc sĩ Bắc Sơn. Lời ca khúc như cắt vào tim những người con xa xứ, gợi lên chủ đề nghị luận : “Quê hương và nỗi nhớ”. Sau tiết mục mở đầu, học sinh đã trình bày những suy nghĩ, cảm nhận về tình yêu quê hương trong ca khúc trên theo bố cục của bài văn nghị luận một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật.

Tiếp theo, các em tham gia hoạt động cảm nhận mùi thơm quê hương trong từng chiếc bánh con sùng và thắt con cào cào bằng lá dừa nước. Những ánh mắt háo hức, tò mò xen lẫn thích thú của học sinh đã khiến tiết học trở nên thú vị và sinh động.



Kết thúc buổi học, các em học sinh giới thiệu những bức tranh phong cảnh quê hương 3 miền Bắc – Trung – Nam do chính các em thực hiện và trình bày cảm nhận của bản thân. Cho dù là miền ngược hay miền xuôi, thì quê hương vẫn luôn in sâu trong trái tim của con người Việt Nam, đó là nguồn cội, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và cũng là chốn bình yên để con người quay trở về sau những tháng ngày lo toan cuộc sống.


Xem thêm