CS1: 39/23 Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7 | CS2: 742/10 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận

NÊN LÀM GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM NHƯ THẾ NÀO?

Trong buổi tập huấn công tác chủ nhiệm, phần trình bày của cô Thảo Vân – Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố đã nhận được sự xúc động và đồng tình của các giáo viên tham dự. Đồng tình vì đó không chỉ là phương pháp chủ nhiệm của riêng cô Thảo Vân mà đa số giáo viên chủ nhiệm (GVCN) ở trường Đức Trí bao năm nay vẫn áp dụng như thế. Xúc động là bởi với GVCN chúng tôi, chủ nhiệm không chỉ là một công tác giáo dục, đó là nhịp cầu của những yêu thương. Giáo viên chủ nhiệm thành công và lớp chủ nhiệm thành công là ở đó có “giáo viên chủ nhiệm vì học sinh và có những học sinh vì giáo viên chủ nhiệm, đó là sự tác động qua lại giúp mối quan hệ duy trì một cách bền vững”.

Cô Thảo Vân cũng chia sẻ một số PHƯƠNG PHÁP chủ nhiệm mang lại hiệu quả tích cực, tổng hợp từ trải nghiệm của bản thân và qua quan sát đồng nghiệp. Đó là:

  • Tạo ấn tượng về tác phong (trang phục, tác phong đi lại, lời nói, nét mặt)
  • Quan sát tinh tế các hành vi, cử chỉ, hoạt động hằng ngày của học sinh để tác động phù hợp với các em.
  • Biết lắng nghe học sinh nói để hiểu rõ được cách nhìn của học sinh trước những vấn đề, qua đó điều chỉnh suy nghĩ của học sinh nếu suy nghĩ lệch lạc.
  • Tổ chức các hoạt động kết nối để rèn các hoạt động kĩ năng cho học sinh để giúp các em dễ dàng kết nối với nhau, tìm ra được điểm chung của nhau, mạnh dạn giao tiếp với nhau hơn, xóa tan được không khí học tập căng thẳng.
  • Có khiếu hài hước, khiếu văn nghệ, biết “bắt trend” là “phương tiện” giúp giáo viên hoà đồng, gần gũi với học sinh hơn, vừa giúp cho giờ học bớt căng thẳng, tạo được không khí lớp học thoải mái hơn.

Cô Thảo Vân cũng đưa ra quan niệm về hình mẫu giáo viên chủ nhiệm lí tưởng của học sinh: GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM VÌ HỌC SINH THÌ HỌC SINH HẠNH PHÚC.

Cô Thảo Vân cũng thẳng thắn chia sẻ những NGUYÊN TẮC cần được áp dụng để đảm bảo tính ổn định, kỷ cương cần có. Đó là:

  • Gương mẫu và xây dựng được lớp học có tính kỷ luật cao (cam kết thực hiện nội quy chặt chẽ, xây dựng đội ngũ ban cán sự chất lượng cao, GVCN gương mẫu,…)
  • Uy tín (ghi nhớ những lời đã hứa và thực hiện tốt)
  • Công bằng
  • Sáng tạo trong việc lập các kế hoạch/ tổ chức các hoạt động trong lớp
  • Hiểu biết tinh tế và nhạy bén với đời sống xã hội

Giáo viên chủ nhiệm đương nhiên là rất vất vả. Thế nhưng nhiều thầy cô vẫn thích được phân công làm chủ nhiệm bởi đó là tình yêu đối với nghề, với trường lớp, với học trò thân yêu của mình.

Xem thêm